Phát âm tiếng Ý và tiếng Việt: anh em họ hàng xa
5 Tháng mười một, 2024 2025-01-03 11:30Phát âm tiếng Ý và tiếng Việt: anh em họ hàng xa
Phát âm tiếng Ý và tiếng Việt: anh em họ hàng xa
Chúng ta thử tưởng tượng nhé: Tiếng Ý, thứ ngôn ngữ sinh ra trong lòng nước Ý xinh đẹp của vùng Địa Trung Hải và Tiếng Việt, tiếng nói mang hồn dân tộc của người Việt tại đất nước Việt Nam cách xa nước Ý hàng ngàn cây số, dường như sẽ khó có thể tìm thấy những điểm tương đồng.
Nhưng không, dòng chảy lịch sử đã mang những người truyền giáo châu Âu đến Việt Nam vào đầu thế kỷ 17 và chính họ là những người đặt nền móng cho sự ra đời của chữ Quốc ngữ, tiền thân của tiếng Việt sau này bằng cách ghi văn tự tiếng Việt theo cách phiên âm của mẫu tự La-Tinh. Vậy là tiếng Việt bằng cách đó lại có những mối liên kết không ngờ với tiếng Ý – ngôn ngữ có nguồn ngốc từ tiếng La-Tinh.
Tất nhiên đây là hai ngôn ngữ thuộc hai hệ ngôn ngữ khác nhau: Tiếng Ý thuộc hệ ngôn ngữ Ấn Âu, còn Tiếng Việt thuộc ngữ hệ Nam Á. Điều này khiến cho người Việt học tiếng Ý không hề dàng. Tuy nhiên người Việt khi đọc và phát âm tiếng Ý lại có những thuận lợi nhất định. Bây giờ chúng ta hãy cùng tìm hiểu những thuận lợi của người Việt khi học phát âm tiếng Ý đồng thời cả những khó khăn mà thứ tiếng này mang đến cho chúng ta để có phương án học tập tốt nhất chinh phục thứ tiếng này nhé!
Có một điều cực kỳ thuận lợi của việc phát âm tiếng Ý đó là: viết thế nào đọc thế (ngoại trừ một số âm đặc biệt cần ghi nhớ quy tắc). Vậy nên chúng ta sẽ không phải mất nhiều thời gian để phát âm đúng một từ tiếng Ý hay nhận diện từ qua cách đọc.
Bây giờ chúng ta hãy cùng tìm hiểu cụ thể hơn về cách phát âm của tiếng Ý.
1. “Anh em thân thiết”: Khám phá những âm giống nhau của tiếng Ý và tiếng Việt
Sở dĩ mình đặt tiêu đề là vậy vì có khá nhiều âm của tiếng Ý phát âm gần như tiếng Việt hoặc tương tự như tiếng Việt. Mình nhấn mạnh là nó “tương tự” và “gần như” thôi nhé vì nó vẫn có những “cá tính” của tiếng Ý khi phát âm, thì thế mới là tiếng Ý chứ. Vậy nên những so sánh mà mình đưa ra sau đây chỉ là giúp các bạn hình dung rõ nét hơn về cách phát âm giữa hai thứ tiếng nhé!
Những âm giống nhau đó là:
- Nguyên âm: /a/, /o/, /u/, /e/, /i/
- Phụ âm: /m/, /n/, /p/, /t/, /k/
Có thể xem bảng so sánh dưới đây:
Âm | Tiếng Việt | Tiếng Ý | Cách nhớ vui |
/a/ | Ba | Penna | “Penna” như “pên-na” |
/o/ | No | Tavolo | “Tavolo” như “ta-vô-lô” |
/u/ | Cú | Uno | “Uno” như “u-nô” |
/e/ | Me | Bene | “Bene” như “be-ne” |
/i/ | Mì | Nomi | “Nomi” như “nô-mi” |
/m/ | Mẹ | Mamma | “mamma” như “mam-ma” |
/n/ | No | Noi | “Noi” nhhư “noi” |
/p/ | Pin | Pane | “Pane” như “Pa-ne” |
/t/ | Tim | Talento | “Talento” như “ta-len-tô” |
/ ɲ/ | Nhà | Cognome | “Cognome” như “cô-nhô-mê” |
Như vậy có thể thấy là cách đọc của các nguyên âm tiếng Ý rất gần gũi với tiếng Việt, chúng ta sẽ chỉ cần thêm trọng âm và ngữ điệu tiếng Ý khi đọc từ là có được phát âm đúng của từ tiếng Ý.
2. “Người lạ ơi”: Những âm khó nhằn
Ở trên chúng ta vừa nó đến những âm có cách phát âm rất gần gũi với tiếng việt, ở phần này chúng ta sẽ cùng nói về một số âm “khó” phát âm trong tiếng Ý đối với người Việt.
2.1: Âm “R” rung.
Âm “r” rung trong tiếng Ý là một trong những âm khó đối với hầu hết người Việt. Yêu cầu khi phát âm “r” trong các từ tiếng Ý có “r” đứng đầu câu hoặc có hai âm “r” đứng gần nhau (r kép) thì đầu lưỡi rung nhanh khi phát âm. Nếu không rung lưỡi thì âm thanh sẽ không đúng.
Ví dụ: Riso (gặp), Rosa (hoa hồng) hoặc Arrancia (quả cam).
- Tại sao khó: Vì trong tiếng Việt có tồn tại chữ cái “r” nhưng ở hầu hết các tỉnh thành (trừ một số tỉnh miền Trung như Nghệ An chẳng hạn, ở đó âm “r” được phát âm bật rung) thì người ta phát âm “r” chỉ là âm nhẹ, không rung, âm thanh đi ra giống như là âm “z”. Khi nói từ “rõ ràng” mặc dù được viết bằng âm “r” nhưng khi nghe sẽ giống như “zõ zàng”.
- Bí kíp tập: Thử nói “đờ rờ rờ rờ” với “r” rung nhiều lần. Ban đầu sẽ hơi ngượng nhưng tập nhiều thì miệng sẽ quen với cách phát âm này.
2.2: Hợp âm “gli”
Đây là phụ âm rất đặc biệt vì cách phát âm của nó lại phụ thuộc vào âm đi đằng sau.
Ở đây chúng ta sẽ xét cách phát âm của phụ âm này khi đi kèm với nguyên âm ở đằng sau, ví dụ, “famiglia” (gia đình). Còn khi nó không đi kèm với nguyên âm mà là một phụ âm như ở từ “glissare” (lướt qua, trượt qua) chúng ta đọc theo đúng kiểu viết nào đọc thế, vì thế từ “glissare” đọc là “glis-sa-re”
- Tại sao khó: vì âm này được hợp thành từ sự kết hợp của g-l-i, cần phải được phát âm rất nhanh, âm “g” không được phát âm rõ và được giữ trong cuống họng và lướt nhanh sang âm của “l-i”. Vậy là trước tiên bạn phải nhận diện được đâu là hợp âm “gli” có cách đọc đặc biệt, rồi phải đọc nó một cách chuẩn xác nữa, thực sự đọc âm này chuẩn không hề dễ dàng chút nào.
- Bí kíp tập: Tập nói âm “li” trước sau đó ghép âm “g” vào, cố gắng đọc nhanh hết mức có thể.
2.3. Viết một đằng nói một nẻo
Trong tiếng Ý tồn tại rất nhiều từ không được đọc theo như mặt chữ mà cần phải học quy tắc phát âm của nó để phát âm cho đúng. Hay có những từ có cùng một chữ viết nhưng lại được phát âm theo cách khác nhau.
Có thể lấy một vài ví dụ điển hình như:
- “Ce, ci”, trong tiếng Ý phát âm gần giống như âm “ch” trong tiếng Việt, như là “chi, che”. Ấy vậy mà cũng vẫn chữ cái “c” ấy, khi nó ghép cùng các nguyên âm khác “ca, co, cu” thì cách đọc lại thay đổi hẳn. Nó giống với âm “c” trong tiếng Việt: con cá, con cua.
- Cùng là chữ cái “s” nhưng trong tiếng Ý, chữ “s” trong từ “sole” phát âm khác với “s” trong từ “casa”. Từ thứ nhất âm đọc ra là /s/ nhưng từ thứ hai âm đọc ra là /z/.
- Tại sao khó: vì chúng ta phải nhớ cách đọc chứ không thể đọc theo kiểu viết nào đọc thế. Hơn nữa có một số âm không có trong bảng chữ cái tiếng Việt nên người Việt gặp khó khăn khi phát âm cho đúng, ví dụ như âm /z/.
- Bí kíp tập: Tập nói nhiều lần và luyện tập thường xuyên những từ thông dụng để có phản xạ phát âm tốt.
2.4: Anh hùng núp: Từ mang trọng âm
Đặc điểm của tiếng Việt là có thanh điệu, thanh điệu này quy định trọng âm và ngữ điệu của từ. Còn tiếng Ý, cũng có trọng âm, nhưng nó được “dấu ngầm”, có nghĩa là người đọc không thể nhận biết đâu là trọng âm của từ nếu chỉ nhìn vào mặt chữ. Để nhận biết được trọng tâm của từ trong tiếng Ý thì cần tra từ điển hoặc nghe nhiều để phát âm cho đúng trọng âm của từ.
Lời kết: Theo kinh nghiệm học ngoại ngữ của mình thì khi học một thứ tiếng mới thì điều đầu tiên cần phải học ngay đó chính là cách phát âm. Mình không đặt mục tiêu là cần phải phát âm thật là chuẩn, nói thật là hay như người bản ngữ mà điều quan trọng trước tiên phải làm khi học phát âm là phải nói cho đúng đã để khi giao tiếp, người ta có thể hiểu được mình nói gì. Sau này, cùng với thời gian luyện tập và thực hành thì khả năng phát âm và giao tiếp của mình đương nhiên sẽ tốt hơn, nói thứ tiếng ấy cũng “hay” và tiệm cận với người bản ngữ hơn. Tuy nhiên mỗi người có tốc độ học khác nhau, khả năng tư duy ngôn ngữ khác nhau, nên đừng so sánh với người khác mà cứ bình tâm học hết sức mình là được. Bạn cứ kiên trì tập luyện, rồi một ngày bạn sẽ nói tiếng Ý “như gió” ấy mà.
Thế còn quan điểm về việc theo học các khóa học phát âm thì sao? Là người đã từng theo học ngoại ngữ nên mình nghĩ rằng cần phải học chuẩn phát âm ngay từ đầu. Ít nhất bạn cần hiểu được cách đọc bảng chữ cái, cách đọc phiên âm, cách đọc các âm cơ bản. Bạn có thể tự học điều nàynhưng có lẽ cách tốt nhất là tham gia một khóa học phát âm ở đó giáo viên không chỉ giảng dạy tất cả những gì cần thiết cho một khóa học phát âm mà còn có thể chỉ ra và chỉnh sửa cho bạn những lỗi phát âm gặp phải để bạn còn có hướng khắc phục.
Bài viết này mục đích chỉ là để chia sẻ không phải quảng cáo khóa học. Tuy nhiên, nếu bạn nào quan tâm thì có thể đăng ký khóa học Phát âm với Lapennablu. Chỉ cần một đến hai buổi là bạn có thể tự tin nắm vững cách phát âm tiếng Ý rồi.
Chúc các bạn học tốt nhé!